Gian nguy nghề lặn biển
Đã có không ít những “kình ngư” một thời phải rời đời thợ lặn lên xe lăn, người xấu số thì mãi mãi ra đi. Với họ, mỗi chuyến ra khơi là phải liều mình đối mặt với cái chết cận kề.
Đã có không ít những “kình ngư” một thời phải rời đời thợ lặn lên xe lăn, người xấu số thì mãi mãi ra đi. Với họ, mỗi chuyến ra khơi là phải liều mình đối mặt với cái chết cận kề.
Thế nhưng, vì sinh kế nhiều thanh niên ở đảo Thanh Lân (Cô Tô) vẫn đang ngày đêm gắn bó với công việc nguy hiểm này.
Đến xã đảo Thanh Lân, tìm đường về xóm “kình ngư” ai cũng biết bởi hầu hết thanh niên trai tráng trong làng đều theo nghề lặn biển. Theo lời kể của ngư dân trên đảo thì nghề lặn biển đã có cách đây gần 20 năm. Lúc đầu, chỉ có vài hộ quê ở Thái Bình, Nam Định ra đảo lập nghiệp bằng nghề đánh bắt thuỷ sản. Sau một thời gian, các phương tiện tàu, thuyền ngày càng cũ kỹ không thể đánh bắt xa bờ được, nguồn thuỷ sản ngày càng cạn kiệt, họ bắt đầu chuyển sang nghề lặn biển cho các chủ tàu khác. Từ đó, nghề lặn biển thuê trở thành nghề kiếm thu nhập cao cho ngư dân lúc bấy giờ. Câu chuyện lan xa, nhiều người rủ nhau đi lặn để kiếm tiền. Thậm chí một số hộ còn đầu tư sắm tàu thuê thợ ra lặn riêng.
Ở đảo Thanh Lân có anh Nguyễn Văn Xuân, một thợ lặn thuê có thâm niên gốc Hà Tĩnh. 15 tuổi, Xuân đã bắt đầu đi lặn thuê, giờ 20 năm kinh nghiệm nhưng khi nói về nghề lặn, anh vẫn lộ rõ sự lo lắng. Anh tâm sự: “Nghề này nguy hiểm và vất vả lắm. Sống chết cứ thường trực bên cạnh. Thợ lặn luôn đối mặt với “hà bá”, từ chuột rút, ngạt thở đến bị sốc khi thay đổi áp suất nước… nếu chủ quan sơ ý là bỏ mạng như chơi”.
Thông thường một tàu lặn ít nhất phải có 3 người. Thu nhập được tính ăn chia theo sản phẩm, chủ tàu được hưởng 50%, thợ lặn 40% và 10% cho người giữ dây trên tàu; còn rủi ro phải ai người ấy chịu. Như vậy, mỗi chuyến đi nếu suôn sẻ, thu nhập bình quân thợ lặn được khoảng 1 triệu đồng. Số tiền không nhỏ nhưng họ phải mang cả tính mạng của mình ra để đặt cược cho canh bạc lớn giữa biển cả, sóng dữ. Hiện nay, mặc dù có nhiều loại hình đánh bắt khác nhau nhưng nghề lặn biển ở Cô Tô vẫn duy trì, một phần vì thói quen của một số hộ có nghề lặn lâu đời, phần khác là do lặn biển cho thu nhập cao bởi hải sản bắt được còn tươi sống, thương lái thu mua với giá cao hơn. Mặt khác, nguồn lợi tự nhiên ngày càng cạn kiệt nên muốn bắt được nhiều hải sản thì phải lặn sâu dưới đáy biển.
Thợ lặn thường lặn sâu trung bình từ 20 đến 40 mét. Họ được trang bị ống dẫn hơi dài 200 mét. Đồ lặn biển gồm quần áo, kính rất sơ sài, không hề có một thiết bị bảo hộ nào khác. Đặc biệt, để lặn sâu không bị nổi lên mặt nước, mỗi thợ lặn phải buộc trong người ít nhất 15kg chì. Hình thức đánh bắt cũng rất nguy hiểm, trước kia đánh bắt chủ yếu bằng nổ mìn, thả thuốc mê, nếu thợ lặn và người trên tàu không hiểu ý nhau sẽ rất dễ xảy ra tai nạn. Gần đây, thợ lặn hay dùng súng bắn, đỡ nguy hiểm hơn nhưng nguy cơ rủi ro thì vẫn luôn thường trực. Chỉ cần thợ lặn sâu quá lỡ không lên được sẽ dẫn đến chết ngạt, vì ở độ sâu sức ép của nước biển rất lớn.
Nỗi đau nghề lặn
Nhiều “kình ngư” ở làng biển này không thoát được “cửa tử”, cũng không ít người giờ vẫn phải hứng chịu di chứng của nỗi đau “biển ép”, nặng thì bị liệt nửa người, nhẹ cũng bị ù tai, giảm thị lực. Xóm nhỏ “kình ngư” không ít lần chứng kiến tai nạn từ nghề lặn biển. Nỗi đau, nước mắt từ biển như đang bao trùm lên từng nóc nhà ở xóm quạnh hiu này.
Cách đây gần chục năm, anh Nguyễn Văn Trung (29 tuổi) là một chàng thanh niên khoẻ mạnh nhưng giờ thì anh giống một đứa trẻ lên 3 yếu ớt đang tập đi. Ngồi kể lại đêm gặp nạn của mình, anh vẫn không nhớ được gì. Tai nạn của anh được những người bạn cùng tàu kể lại xảy ra trong một chuyến đi lặn biển thuê năm 2002. Đêm đó, Trung lặn cho một tàu trong xóm, khi lên mặt nước anh bị hôn mê, mặt mày tím tái, người cứng đờ lại. Chủ tàu và người thân phải đưa anh sang bệnh viện bên Hải Phòng cấp cứu. Hơn 3 tháng điều trị, anh nằm bất tỉnh tưởng không thể qua nổi. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Trung khóc nức nở: “Khổ lắm anh ơi! Năm đó, gia đình tôi phải vay mượn khắp nơi mới đủ 40 triệu đồng chữa trị cho em nó. Ra viện, nó nằm liệt một chỗ chẳng biết gì cả. Bây giờ thì đỡ rồi nhưng yếu lắm, cứ vấp là ngã, tay chân không làm được gì cả”.
Hay như trường hợp của gia đình anh Lê Văn Lâm (khu 1, thị trấn Cô Tô) còn bi đát hơn nhiều. Sau vài năm làm thợ lặn, tích cóp được ít tiền anh sắm chiếc tàu lặn riêng. Một đêm năm 2002, anh lặn sâu tới hơn 40 mét ở Vịnh Bái Tử Long, bắt được rất nhiều cá nhưng sau khi lên tàu, anh thấy trong người bắt đầu đau nhức, về nhà anh nằm liệt giường mấy ngày liền. Đi viện khám, các bác sĩ kết luận do anh lặn quá sâu làm tổn hại đến não và các dây thần kinh khiến anh bị liệt nửa người, tập mãi đến giờ đi lại vẫn còn khó khăn. Chỉ 3 năm sau tai nạn biển, anh lại tận mắt chứng kiến cái chết của em trai mình là Lê Văn Oanh. “Hôm đó, em tôi lặn sâu lắm. Khi ngoi lên tàu, nó chỉ kịp kêu đau rồi bất tỉnh, gia đình cho đi cấp cứu nhưng không kịp… Nghề lặn bạc bẽo quá, cuối cùng tôi phải bán tàu đi mới đủ tiền trả nợ và chữa bệnh” – Anh Lâm rơm rớm nước mắt tâm sự.
Từ lâu, nghề lặn biển ở Cô Tô đã bị cấm do đánh bắt mang tính huỷ diệt làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, đặc biệt là rạn san hô và do tính chất nghề hết sức nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, theo thống kê, trên địa bàn Cô Tô vẫn còn khoảng 70 phương tiện tàu, thuyền tham gia vào nghề lặn (chủ yếu ở xã đảo Thanh Lân và từ nơi khác đến). Đa số thợ lặn thuê ở đây đều biết trước sự nguy hiểm trong nghề nhưng vẫn cố đặt cược mạng sống của mình vì “miếng cơm manh áo”.
“Kình ngư” Phạm Văn Tình chia sẻ: “Tôi thấy nghề lặn bạc bẽo lắm, kiếm tiền rất nhanh nhưng đó là những đồng tiền xương máu cả. Biết là bị cấm và nguy hiểm thật nhưng không đi lặn thuê thì chẳng biết làm nghề gì để sống…”.
Leave a Reply